Ai là người trong chúng ta không tự nhủ rằng: “khi nào có thêm chút thì giờ, sẽ làm việc này, việc nọ”? Thực tế thì chúng ta không bao giờ có thêm chút thì giờ nào đâu. Chúng ta có và luôn luôn đã có tất cả số thì giờ mà cuộc sống đã ban cho rồi. Nhưng chân lý đơn giản mà sâu xa đó kì lạ thay lại không được hầu hết mọi người nhớ đến và cũng không dễ để thực hành.
Làm sao để sống không hoài phí thời gian?
Ước mong lớn nhất trong cuộc đời của một tín đồ hồi giáo có thể là được đi tới thánh địa Mecca một lần trước khi chết. Họ tự hành hương, hoặc nhờ một công ty du lịch chỉ dẫn, họ có thể không bao giờ tới được nơi mà họ cho là nguồn cội của họ. Họ có thể chết đuối trước khi tới cảng Said; có thể bỏ mạng một cách không vẻ vang chút nào trên bờ Biển Đỏ; ý muốn của họ có thể không bao giờ thực hiện được. Sự mong mỏi mà không được thoả mãn có thể làm cho người đó luôn day dứt. Tuy vậy, họ không đến nỗi bị dày vò như kẻ muốn tới Mecca mà không bao giờ bước chân ra khỏi nhà mình.
Ra khỏi nơi mình ở cũng là một khởi đầu tốt rồi, phần đông người ta có rất nhiều ước muốn và dự định nhưng rốt cuộc không bao giờ bắt đầu, họ tự bào chữa tự huyễn hoặc mình về sự thiếu thốn thời gian, sự bận rộn. Thực tế thì hầu hết chúng ta không thiếu những thứ đó, ta chỉ thiếu nghị lực mà thôi.
Bổn phận mà ta đặt ra cho mình là phải làm việc để nuôi thân và gia đình, là phải trả hết nợ nần và dành dụm. Nhiệm vụ đó cũng đã khó khăn, ít người làm tròn được. Vậy mà, dù làm tròn được như lúc ta đã làm, ta cũng chưa được mãn nguyện, luôn đâu đó có sự mong mỏi, bồn chồn. Tĩnh tâm lại thì ta sẽ thấy nguyên do những buồn phiền là bởi ta luôn luôn tự cho là phải làm thêm cái gì ngoài bổn phận của mình và cho là nếu ta gắng sức hơn thì ta sẽ ít bất mãn hơn.
Sự thật là như vậy. Ý muốn làm được việc gì ngoài nghĩa vụ đã được ấn định là ý muốn chung của những người có tâm hồn khá.
Phần đông người ta đọc đến đây sẽ cho rằng tôi đang hướng mọi người đến việc đọc sách. Sách là kho tàng tri thức khổng lồ vô cùng quý giá, thậm chí là một trong những tài sản quý giá nhất của lịch sử văn minh loài người sản sinh ra. Nhưng sách không bao gồm hết toàn bộ tầm hiểu biết của con người.
Vậy trở lại câu hỏi chính: Làm thế nào để sống không hoài phí thời gian?
Nếu bạn nghĩ sau đây sẽ là một công thức hoàn hảo hay giải pháp tuyệt với từ bí quyết nào đó thì rồi hẳn bạn sẽ thất vọng. Thay vào đó hãy chấp nhận rằng đây là một quá trình cực kì khó khăn cần nhiều sự gắng sức và quan trọng là không được nôn nóng. Phải bình tĩnh.
Không có phương pháp kì diệu nào như bàn tay của vua Midas cả, nhưng chính sự khổ công gắng sức kia cho ta sức mạnh thật sự. Bạn đã bao giờ tự hỏi đọc sách để làm gì khi lật qua trang sau bạn quên đi nửa trang trước, đọc sang cuốn sau bạn quên gần hết cuốn trước. Tri thức không hoạt động như password, nó đi vào tâm hồn bạn và thay đổi bạn từ từ.
Có thể sau nửa năm đọc những cuốn sách hữu ích bỗng bạn gặp lại một người quen cũng chừng đó thời gian không gặp hay bạn đi phỏng vấn xin việc thì dám chắc với bạn rằng cả người bạn đó cũng như chính bản thân bạn sẽ kinh ngạc vì sự thay đổi của người đọc sách.
Vậy nên bạn hãy cứ bình tĩnh, vững tin mà dấn thân.
HÃY BẮT ĐẦU NHỎ THÔI
Một trong những tư tưởng mạnh mẽ xuyết suốt cuốn sách xuất sắc về khởi nghiệp – Khởi Nghiệp Tinh Gọn – đó là làm gì cũng vậy, muốn thành công bền vững thì hãy bắt đầu nhỏ thôi, liên tục Thử – Sai – Sửa. Trở ngại lớn nhất không phải là thay đổi bên ngoài mà là chính bản tính của bạn – thứ mà bạn tưởng chừng hiểu rõ nhất.
Một thất bại tự nó không có gì đáng kể nhưng nếu sự xuất hiện ngay từ ban đầu của nó không làm mất đi lòng tự tin – thứ động cơ sẽ đưa bạn đi xa. Phần đông chúng ta vì quá háo hức, gắng làm nhiều quá mà tai hại. Ban đầu, một thất bại vẻ vang sẽ không bằng một thành công nho nhỏ. Một thất bại vẻ vang không đưa ta tới đâu cả nhưng một thành công nho nhỏ sẽ đưa đến thành công khác có thể không nhỏ nữa. Tất nhiên để học được thành công chúng ta cần ông thầy thất bại, nhưng không phải ngay buổi học đầu tiên.
VÌ SAO LẠI THIẾU HIỆU QUẢ
Ta thường than phiền về quỹ thời gian eo hẹp, bận bịu tối mắt mà không xông việc. Vậy ngoài 7 tiếng đi ngủ, 8 tiếng làm việc, 2 tiếng ăn uống nghỉ ngơi vậy bạn có thể kể ra bạn làm gì trong 7 tiếng còn lại. Để chi tiết thì có vẻ không quá đơn giản, kệ ra bạn sẽ giật mình vì mình sử dụng thời gian thiếu hiệu quả.
Phần lớn những người được hỏi cho biết họ không yêu thích công việc của mình, thậm chí ghét nó. Vậy nên 8 tiếng ở văn phòng họ uể oải, đờ đẫn, làm việc miễn cưỡng không hết mình. Chính thái độ làm việc này khiến cho quãng thời gian trở nên ít hứng thú, suy giảm năng lực nhưng tai hại ở chỗ đây lại là quãng thời gian chúng ta cho là chính yếu trong ngày. Người ta vô tình đặt nặng cảm xúc ở khoảng thời gian mà họ vật vờ và trông cho nhanh qua, cho nên người ta thường cũng chán nản trong khoảng thời gian phụ còn lại.
Thay vì sống vô lí như vậy ta nên dành quãng thời gian phụ mà là chính ấy để rèn luyện thân thể, trí óc và tâm hồn.16h còn lại đó ta không phải lo kiếm tiền (là chính) nữa, thân thể tự do thời gian chủ động. Thái độ sống là điều quan trọng nhất để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống, sự thành công tùy thuộc vào nó.
Tại sao khi đi làm về, kể cả làm bàn giấy công sở bạn vẫn thấy mệt mỏi dù hôm đó không có áp lực? Chỉ có một lí do thôi đó là bạn vừa trải qua 8 tiếng chán nản gây ảnh hưởng khiến bạn tưởng tượng rằng bạn đang mệt mỏi, nếu bạn ham thích thể thao hay đi chơi cùng bạn bè thân thiết thì đâu có thấy mệt. Vậy nên hãy luôn có một mục tiêu tiếp theo trong ngày khiến bạn được thúc đẩy, thấy hăng hái. Một cách tốt là luôn lập kế hoạch cho mỗi ngày vào tối hôm trước đó.
Riêng tôi, tôi nghĩ rằng không có gì hợp thời bằng những tư tưởng của Marcus Aurelius và Epictetus; sách của họ rực rỡ những lí lẽ thông thường, áp dụng được vào đời sống hàng ngày của hạng trung nhân như bạn và tôi.
ARNOLD BENNETT