Không tham gia chính trị công sở có phải cách để thăng tiến tốt hơn? Liệu trò chơi quyền lực trong công sở có giúp bạn thành công sau này
Bước vào văn phòng, chẳng mấy khó khăn bạn sẽ bắt gặp các nhân vật:
- Người buôn chuyện.
- Kẻ phá ngầm.
- Kẻ nẫng tay trên.
- Người xu nịnh.
- Thân tín của sếp.
Đúng vậy, bạn đoán không sai. Họ chính là những cộm cán tạo nên chính trị công sở.
Vì các nhân vật này mà chính trị công sở thường bị gắn cái mác tiêu cực và khiến đa số người đi làm muốn tránh càng xa càng tốt.
1. Chính trị công sở thực chất là gì?
Định nghĩa
Chính trị công sở là những hành động, thái độ được thực hiện để đạt lợi ích hay quyền lực trong công ty (theo từ điển Merriam Webster). Có lẽ đây cũng là định nghĩa được nhiều người đồng tình nhất.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về quản lý trong cuốn Enlightened Office Politics: Understanding, Coping with, and Winning the Game – Without Losing Your Soul, thì chính trị công sở không hề mang tính tiêu cực hay tích cực.
Cụ thể, chính trị công sở đơn thuần là quá trình dùng cảm xúc hoặc thông tin để chi phối các quyết định phân bổ nguồn lực, mục tiêu, hoạt động hạn chế trong môi trường có sự khác biệt hay cạnh tranh giữa nhiều cá tính và lợi ích.
Bạn có đang tham gia chính trị công sở?
Để công việc thuận lợi hay các ý tưởng của mình được thông qua, bạn sẽ cần giao tiếp với đúng người, theo đúng cách và sử dụng loại thông tin phù hợp. Bạn sẽ cần chứng minh lý do quản lý nên phê duyệt các đề xuất của mình và sử dụng nguồn lực có hạn của công ty cho việc đó, chứ không phải với các đề xuất khác.
Nói một cách ngắn gọn, bạn đang tác động đến quá trình ra quyết định để đem lại quyền lợi cho mình. Và đó là chính trị công sở.
Tại sao bạn nên tham gia điều này?
Nhiều người có thể nghĩ rằng mình sẽ được yên ổn nếu không tham gia chính trị, nhưng thực tế không phải vậy.
Với nguồn tài nguyên giới hạn tại nơi làm việc, chắc chắn lợi ích của các bên sẽ luôn tác động lẫn nhau. Lợi ích của một bên tăng sẽ dẫn đến sự thu hẹp ở các bên còn lại.
Vì thế, không tham gia chính trị công sở, đồng nghĩa, bạn đã tự động trở thành nạn nhân trong cuộc chơi này.
Ngoài ra, khi để thua trong quá trình này, bạn cũng sẽ thua mất cơ hội được đưa những sáng kiến, sản phẩm tâm đắc hay truyền tải các tư duy, giá trị mình tin tưởng đến với mọi người.
Vì thế, hãy xem chính trị công sở là một công cụ để làm việc hiệu quả hơn và giúp bạn gặt hái những điều xứng đáng với công sức lao động đã bỏ ra.
Tóm lại là, chuyện gì đang xảy ra?
Câu trả lời sẽ được gửi đến Email của bạn vào sáng Thứ Ba hàng tuần. Bổ Não và Miễn Phí, tại sao không?2. Làm thế nào để trở thành chuyên gia về chính trị công sở?
Tham gia chính trị công sở không đồng nghĩa bạn phải đóng vai một trong các nhân vật phản diện nêu trên.
Nhưng việc này sẽ đòi hỏi bạn phải nỗ lực rất nhiều để đạt được những kĩ năng và năng lực cần thiết đáp ứng các mục tiêu có giá trị với tổ chức, mà không sử dụng phương pháp vượt quá giới hạn đạo đức.
Những kĩ năng này dĩ nhiên cần rèn luyện trong lâu dài. Nhưng ngay lúc này bạn có thể chuẩn bị những điều sau:
Chú ý về ảnh hưởng và quyền lực trong công ty
Khi đi làm, bạn nên tìm hiểu về cơ cấu và bộ máy vận hành của công ty. Ai là người ảnh hưởng tới sự nghiệp của bạn, ai là người có tiếng nói, người đưa ra quyết định cuối cùng. Bạn cần chú ý quan sát vì quyền lực và tầm ảnh hưởng thay đổi liên tục.
Hãy xây dựng mối quan hệ và tạo ấn tượng tốt với những người có tầm ảnh hưởng, những người sẽ ủng hộ và có đánh giá chính xác cho mọi công sức của bạn.
Hiểu các quy tắc ngầm
Mỗi công ty sẽ có một văn hoá cũng như quy tắc ngầm riêng. Tìm hiểu và nắm rõ chúng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn. Bạn sẽ biết cần làm gì hay tránh hành xử như thế nào để công việc thuận lợi hơn.
Nắm bắt văn hoá công ty
Văn hoá công ty bạn là gì? Môi trường này có cởi mở với các sáng kiến? Sự công bằng về giới như thế nào? Các cơ hội để thể hiện năng lực ra sao? Cách nào để được ghi nhận thành tích và công lao? Các bộ phận đang làm việc với nhau như thế nào? Tác động đến công việc của bạn ra sao?…
Hãy nhớ rằng: Làm việc một mình không giúp bạn thăng tiến. Hoàn thành tốt công việc của mình nhưng hãy luôn xây dựng các mối quan hệ và chú ý tới cách những nhân tố bên ngoài tác động đến sự nghiệp của bạn.
Trở thành một chuyên gia chính trị công sở (political savvy)
Political savvy là khả năng quản lý hiệu quả và chuyên nghiệp các mối quan hệ trong công sở, dựa trên sự thấu hiểu toàn diện từ trong ra ngoài với các đối tượng giao tiếp. Và chỉ số thông minh cảm xúc cao là một trong các yếu tố trọng yếu để có được political savvy.
Daniel Goleman, tác giả cuốn Leadership: The Power of Emotional Intelligence, chỉ ra 4 đặc điểm của một người có trí thông minh cảm xúc cao:
- Tự nhận thức: Bạn hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình và xác định lúc nào có thể chủ động làm việc, lúc nào nên nhờ cậy người khác. Bên cạnh đó, bạn nhận ra cảm xúc hiện tại của bản thân và biết được lý do hình thành cảm xúc đó.
- Tự kiểm soát: Bạn giữ được sự bình tĩnh khi gặp áp lực hoặc sẽ nhanh chóng “hồi phục” trước các tiêu cực. Bạn ý thức được các cảm xúc khó chịu của bản thân, cũng như biết cách truyền tải nó đến người khác một cách bình tĩnh và hiệu quả.
- Nhận thức tốt về xã hội: Bạn nắm bắt được góc nhìn của nhiều người và sẵn sàng tiếp thu ý kiến để thấu hiểu cảm xúc cùng quan điểm của họ.
- Quản lý tốt các mối quan hệ: Bạn đưa ra quan điểm của mình một cách thuyết phục và rõ ràng, giúp mọi người tường tận những điều kiện cần đáp ứng trong công việc.
Cuộc sống vốn dĩ không đơn giản, nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Hãy thẳng thắn và bản lĩnh đối diện với chính trị công sở, biến điều đó thành động lực để vươn lên mà vẫn giữ vững lập trường của mình trước những sóng gió.